tóm được mấy con cá quỉ quái kia.
Đã mấy lần tôi định hỏi An về chuyện nghỉ học nhưng thấy nó muốn lờ, tôi đâm ra ngần ngại.
- Sao mày không mua cá lia thia về nuôi?
Tôi hỏi một câu chẳng ăn nhập gì với ý nghĩ trong đầu.
An không đáp, nó lặng lẽ đổ nước vào chậu.
Tôi lại nói:
- Lúc trước mày thích chơi cá đá lắm mà!
- Bây giờ tao hết thích rồi.
Nó nói với giọng trầm trầm.
Mấy phút trôi qua, hai đứa chẳng nói thêm với nhau một lời nào. Để xua tan bầu không khí ảm đạm, tôi rủ nó:
- Lát nữa tụi mình đi đá bóng đi!
An lắc đầu:
- Tao không đi đâu!
Tôi liếc nó:
- Mày ốm hả?
Nó lại lắc đầu.
Tôi quyết định đi thẳng vào vấn đề:
- Vậy sao mấy hôm nay mày không đi học?
Nó nói gọn lỏn:
- Tao nghỉ luôn.
Tôi bàng hoàng cả người:
- Mày nói chơi hay nói thiệt đó?
- Nói thiệt!
- Thôi đi! Đừng có điên!
Nó nhếch môi:
- Điên gì! Thích thì nghỉ thế thôi!
- Má mày không nói gì sao?
- Tao đi học hay ở nhà, má tao chẳng bao giờ để ý.
- Nhưng tại sao lại phải nghỉ học?
Thoạt đầu An không muốn nói, nhưng sau một thoáng đắn đo, nó thú thật:
- Tao xấu hổ với tụi bạn trong trường.
Tôi hiểu ra:
- Chuyện anh Dự bị bắt chứ gì?
- Ừ.
- Nhưng mà đâu có ai biết!
An buồn bã:
- Trước sau gì mọi người cũng biết.
Tự nhiên tôi thấy thương An vô cùng. Nghĩ đến hoàn cảnh tệ hại mà nó rơi vào, nghĩ đến nỗi buồn chán nó đang mang trong lòng, tôi nghe cay xè nơi mắt.
Thấy mắt tôi đo đỏ, An gắt:
- Việc gì mày phải khóc!
Tôi nổi cáu vặc lại:
- Chứ việc gì mày phải nghỉ học! Chuyện anh Dự có liên can gì đến mày?
- Sao lại không liên can?
- Ảnh làm bậy chứ mày đâu có làm bậy!
- Nhưng tao là em ảnh.
- Em thì em chứ! Ai làm nấy chịu!
An nói trổng trổng như tự nói với mình:
- Em kẻ cắp!
Giọng nó rầu rầu, nghe như một tiếng than.
Suốt buổi chiều, tôi quanh quẩn bên An và tìm mọi cách thuyết phục nó thay đổi ý kiến nhưng chẳng ăn thua gì. Nó cứ một mực đòi nghỉ học. Trước thái độ quyết liệt của nó, cho đến lúc ra về, lòng tôi vẫn còn giận dỗi.
Cuối cùng, không biết làm sao, tôi đành "xin ý kiến" của ba tôi.
Ba tôi rất đổi ngạc nhiên khi nghe tôi thuật lại mọi chuyện:
- Hóa ra kẻ nhốt tụi con là anh của An?
Tôi gật đầu:
Ba tôi xoa cằm:
- Con báo với ban chỉ huy Đội để các bạn tìm cách động viên An.
Tôi lắc đầu:
- Không được đâu, ba! An rất ngại bạn bè biết chuyện này.
Ba tôi nhíu mày:
- Hay là con báo với giáo viên chủ nhiệm!
Có lẽ không có cách nào khác! Tôi nghĩ bụng. Thựcra, tôi đã nghĩ đến chuyện gặp cô Nga nhưng trong bụng còn trù trừ vì tôi sợ cô "hỏi thăm" chuyện tôi với An bỏ học đi đá bóng bữa trước.
Nhưng khi gặp tôi, cô không nhắc gì đến chuyện đó. Sau khi nghe tôi nói, cô hỏi:
- Em đã nói chuyện này với bạn nào trong lớp chưa?
- Dạ chưa.
Cô gật đầu:
- Ừ, em giữ kín như vậy là tốt. Chiều nay cô sẽ ghé nhà An. Theo cô, chẳng việc gì An phải bỏ học.
Chiều đó, tôi cùng cô Nga đến nhà An. Nhưng nó đivắng. Nhà đóng cữa im ỉm.
- Chiều mai, cô và em ghé lại nhà An lần nữa!
Khi chia tay, cô Nga bảo tôi như vậy.
Nhưng tôi và cô Nga chưa kịp ghé An thì sáng hôm sau nó đã lò dò tới lớp.
Tôi bùi ngùi nhìn chiếc cặp trên tay nó:
- Mày đem sách đi trả hả?
Nó lắc đầu:
- Tao đi học!
Gương mặt thoáng vẻ tươi tỉnh của nó làm tôi ngạc nhiên:
- Bộ anh Dự được tha về rồi hả?
An nhún vai:
- Còn khuya!
Tôi không nén đuợc sự tò mò:
- Vậy tại sao mày lại...
Đang nói, chợt nhận ra sự vụng về trong câu hỏi của mình tôi liền im bặt.
Nhưng An chẳng để ý chuyện đó. Nó mỉm cười không đáp. Dường như nó muốn giấu tôi sự bí mật của nó. Tuy nhiên tôi chẳng lấy thế làm buồn.Hễ nó đi học lại là tôi vui rồi.
Mãi đến khi vào lớp, tôi mới biết nguyên nhân khiến An thay đổi quyết định khi thằng Quyền quay xuống khoe:
- Tối hôm qua, tao thấy anh mày trên ti-vi!
Thoạt nghe, tôi giật thót.
Nhưng Hưng nhí đã kịp bổ sung:
- Anh nó là "người tốt việc tốt" đó!
- Ai chẳng biết là "người tốt việc tốt"! Anh nó là kiện tướng lao động của thanh niên xung phong!
Thằng An ngồi nghe, mặt đỏ lên một cách ngượngngập.
Hóa ra anh Vĩnh nó đã "cứu" nó. Niềm tự hào về ông anh này ít ra cũng giảm nhẹ được nỗi hỗ thẹn về ông anh kia. Tôi mừng cho An. Dù sao nỗi đau của nó cũng xoa dịu. Chỉ có điều trớ trêu là anh Vĩnh của nó, người anh mà trước đây đối với nó"có cũng như không", không bao giờ ngờ được những việc làm của mình lại có "giá trị thuyết phục" đối với em mình như vậy, điều mà tôi năn nỉ đến gãy lưỡi cũng không xong.
Trưa đó, tôi đưa An về tới tận nhà nó.
Dọc đường, chúng tôi chẳng trò chuyện gì nhiều nhưng nhìn vẻ mặt bình tĩnh của An, tôi biết rằng sóng gió đã qua đi.
Trước khi chia tay, An đột ngột bảo tôi:
- Chiều mai mày ghé qua học với tao!
Tôi trố mắt:
- Ngày mai đâu phải thứ năm!
An cười:
- Thì cần gì phải thứ năm! Bây giờ tao muốn học để đuổi kịp bạn bè!
Tôi nheo mắt:
- Mày không xạo đấy chứ!
An đáp vẻ cả quyết:
- Tất nhiên.
Thật ra tôi hỏi chọc nó chơi chứ trong thâm tâm tôi biết lần này An nói thật. Qua những chuyện vừa rồi, những suy nghĩ của An bắt đầu thay đổi. Điều đó đối với tôi hoàn toàn dễ hiểu.
Và tôi tin rằng một khi An đã chịu học, nó sẽ không thua kém bất cứ ai. Càng nghĩ tôi càng mừng cho An.
Tôi cũng mừng cho tôi nữa.
Bây giờ tôi có thể đi ngang qua lò thịt mà không hề sợ hãi. Như ngay lúc này đây, một mình tôi trênđường về nhà.
Thành phố Hồ Chí Minh 1988